Vi-rút calici ở mèo
Article
FCV và FHV khác nhau như thế nào?
Vi-rút calici ở mèo gây bệnh FCV, với các triệu chứng thông thường bao gồm:
- Chảy nước mũi
- Viêm nướu
- Loét miệng
Đây là một loại vi-rút trần, tức là nó có khả năng tồn tại dai dẳng ở môi trường bên ngoài và khó tiêu diệt. Khi nhiễm loại vi-rút này, mèo có thể mất vài tuần cho đến vài tháng để bình phục hoàn toàn.
Vi-rút herpes ở mèo (FHV) ảnh hưởng đến mắt dưới dạng viêm kết mạc và loét giác mạc, đồng thời cũng gây chảy nước mũi.
Hai loại vi-rút này tương đối khác nhau, nhưng đôi khi vẫn bị nhầm lẫn vì thông thường chúng đều liên quan đến chứng “sổ mũi ở mèo”, một hội chứng với các triệu chứng đặc trưng là nhiễm trùng mắt (viêm kết mạc, tiết dịch), chảy nước mũi, viêm và loét miệng.
FCV có gây bất kỳ ảnh hưởng bất lợi nào ở mèo con không?
FCV có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho mèo, đặc biệt là mèo con vì bệnh này gây ảnh hưởng đến khả năng ăn uống của mèo. Khứu giác rất quan trọng với mèo khi ăn vì khi mũi bị tắc nghẹt, mèo có thể bỏ ăn. Ngoài ra, các tổn thương gây đau đớn trong miệng có thể là nguyên nhân khác khiến mèo bỏ ăn.
FCV lây truyền như thế nào?
FCV lây truyền theo những cách sau:
- Tiếp xúc trực tiếp giữa mèo với mèo
- Do con người vuốt ve mèo và không rửa tay
Bạn cũng phải thường xuyên vệ sinh các đồ vật tiếp xúc hàng ngày với mèo bị nhiễm bệnh, chẳng hạn như bát đựng thức ăn, lồng và bàn chải, để ngăn chặn sự lây lan của bệnh.
Mèo con của tôi có thể nhiễm FCV khi tiếp xúc với những chú mèo khác không?
Mèo con vẫn có thể bị nhiễm vi-rút khi tiếp xúc với những chú mèo khác trông có vẻ khỏe mạnh.
Một chú thú cưng không có bất kỳ dấu bệnh tật nào thực sự vẫn có thể đang mang một số bệnh nhất định, trong đó có cả vi-rút calici. Mèo khỏe mạnh mang mầm bệnh có thể gây rủi ro cho những chú mèo khác trong cộng đồng, đặc biệt là mèo con.
Nếu bị nhiễm vi-rút calici ở mèo thì mèo con có bình phục được không?
Vi-rút calici ở mèo tồn tại theo nhiều chủng đa dạng, điều này có nghĩa là một chú mèo có thể bị nhiễm bệnh nhiều lần trong suốt cuộc đời, tương tự như cách mà con người bị cảm cúm lặp lại nhiều lần.
Có một quan niệm sai lầm phổ biến rằng mèo sẽ không bao giờ tự loại bỏ được FCV sau lần đầu tiên nhiễm vi-rút này. Trên thực tế, nếu là một chú thú cưng nhạy cảm bị nhiễm vi-rút này lần đầu, mèo có thể hoặc không xuất hiện triệu chứng. Sau giai đoạn này, mèo tiếp tục phát tán vi-rút trong một vài tuần cho đến vài tháng, nhưng cuối cùng sẽ bình phục trong hầu hết trường hợp. Điều này đặc biệt đúng nếu chú thú cưng sống một mình và không bị tái nhiễm.
Một vấn đề xảy ra đối với những chú mèo sống cùng nhau là tình trạng lưu hành vi-rút và mèo bị tái nhiễm liên tục (qua tiếp xúc với những chú mèo khác hoặc qua môi trường nhiễm bệnh, vì vi-rút này sống dai dẳng trong môi trường bên ngoài).
Luôn ghi nhớ rằng: Mèo sống một mình và bị nhiễm vi-rút calici sẽ loại bỏ hoàn toàn vi-rút sau khoảng thời gian vài tuần đến vài tháng.
Làm cách nào để ngăn ngừa mèo con không bị nhiễm vi-rút calici ở mèo?
Tiêm vắc-xin là cách giúp ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm cho mèo con, trong đó có FCV. Một số mũi vắc-xin là bắt buộc, còn một số khác chỉ là các mũi khuyến cáo. Nhóm vắc-xin khuyến cáo có thể thay đổi tùy theo nơi sống, độ tuổi, nếp sống và tình trạng miễn dịch của mèo hoặc mèo con.
Các loại vắc xin thường được khuyến cáo cho mèo con bao gồm:
- Vi-rút calici ở mèo (FCV)
- Vi-rút gây bệnh giảm bạch cầu ở mèo (FPV)
- Vi-rút herpes ở mèo (FHV-1)
- Vi-rút dại (RV)
Việc tiêm vắc-xin sẽ đạt hiệu quả cao nhất khi thực hiện vào những ngày cố định kèm theo các mũi vắc-xin nhắc lại tại những thời điểm cụ thể.
Nên tiêm vắc-xin cho mèo con khi nào?
Loạt tiêm vắc-xin đầu tiên nên bắt đầu trong khoảng từ bảy đến chín tuần tuổi. Hãy trao đổi với bác sỹ thú y vì họ sẽ có thể đánh giá hồ sơ rủi ro của chú mèo và độ tuổi thích hợp nhất để tiêm vắc-xin.
Tìm bác sĩ thú y
Chế độ dinh dưỡng phù hợp với mèo con
Thích và chia sẻ trang này