Ảnh hưởng của tuổi già đến mèo
Article
Trong mỗi giai đoạn của cuộc đời, bất kể ở giai đoạn phát triển khi còn là mèo con hay là hỗ trợ sức khỏe của mèo lớn tuổi, mèo vẫn cần được chăm sóc theo nhiều cách khác nhau để hỗ trợ sức khỏe của chúng. Tuy nhiên, khi nào chú mèo của bạn đã già đi và bạn có thể thấy những thay đổi nào?
Tuổi của mèo dựa theo tuổi con người
Cũng giống như con người, quá trình lão hóa là một trải nghiệm riêng. Mỗi chú mèo lại có dấu hiệu lão hóa ở những thời điểm riêng. Tuy nhiên, cơ thể mèo sẽ thường bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu lão hóa đầu tiên ở cấp tế bào khi mèo được 7 tuổi. Chỉ khi mèo được khoảng 12 tuổi, các triệu chứng ở bên ngoài mới rõ rệt. Từ đó, các tế bào trong cơ thể mèo hoạt động chậm lại, đồng thời các chức năng của cơ thể (như tim và hệ miễn dịch) hoạt động kém hiệu quả hơn.
Phân loại độ tuổi của mèo theo phương pháp thú y:
- 7 – 10 tuổi: mèo trưởng thành
- 11 – 14 tuổi: mèo lớn tuổi
- Trên 15 tuổi: mèo già
Để hiểu rõ hơn về độ tuổi của mèo, hãy đối chiếu tuổi của mèo với tuổi của con người: một chú mèo 10 tuổi sẽ tương đương với một người 56 tuổi. Mèo thường có thể sống tới 20 năm, tương đương với một người 96 tuổi.
Dấu hiệu lão hóa ở mèo
Mặc dù mỗi chú mèo biểu hiện những dấu hiệu lão hóa khác nhau, nhưng có một số quá trình lão hóa thường xảy ra ở mọi chú mèo. Khứu giác, vị giác và thính giác của mèo trở nên kém nhạy bén, điều này ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn của mèo. Tình trạng này cũng có thể chịu ảnh hưởng của các vấn đề răng miệng, chẳng hạn như răng bị mòn, viêm nướu hoặc rụng răng. Sau đó, sự kết hợp của những vấn đề này có thể dẫn đến sụt cân.
Các khớp xương của mèo kém linh hoạt, đặc biệt là khi bị viêm khớp xương, điều này có thể gây đau nặng và các vấn đề về khả năng vận động. Tình trạng kém linh hoạt này cũng ảnh hưởng đến khả năng tự chải chuốt bình thường của mèo, từ đó ảnh hưởng đến bộ lông và da.
Bản thân bộ lông có thể trở nên bạc hơn và bạn có thể thấy chất lượng lông giảm sút do các tuyến bã nhờn (sản xuất các loại dầu nuôi dưỡng da) hoạt động kém hiệu quả hơn. Khả năng sản sinh đáp ứng miễn dịch tự nhiên có xu hướng giảm dần theo tuổi tác, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và bị bệnh ở mèo. Một số quá trình trao đổi chất, chẳng hạn như tiêu hóa, cũng bị thay đổi do khả năng xử lý chất béo và protein giảm khi mèo già đi.
Mèo lớn tuổi có thể thay đổi hành vi, bao gồm thiếu tương tác hoặc gây ồn ào vào những thời điểm khó gần. Mèo có thể ngủ nhiều hơn nhưng không sâu giấc như trước, điều này có thể làm gián đoạn thói quen của mèo và gây ra các vấn đề về hành vi.
Các triệu chứng đau ốm ở mèo già
Trong một số trường hợp ở mèo lớn tuổi, những triệu chứng này không chỉ đơn giản là dấu hiệu của việc “già đi” mà có thể còn là triệu chứng của một vấn đề lớn hơn.
Mèo có khuynh hướng giấu bệnh tật, khiến chúng hạn chế di chuyển và hoạt động. Điều này có thể làm vấn đề trầm trọng hơn, thay vì thể hiện sự đau đớn thông qua những dấu hiệu dễ thấy như đi khập khiễng hoặc kêu. Vì thế, điều quan trọng là phải chú ý tới mọi thay đổi nhỏ trong hành vi của mèo (chẳng hạn như bỏ ăn hay không còn nhảy lên những vị trí yêu thích) và hãy đưa mèo đến bác sỹ thú y để kiểm tra sức khỏe.
Có một số triệu chứng phổ biến cần chú ý ở mèo già vì đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề tiềm ẩn:
- Chán ăn hoặc sụt cân, đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề về tiêu hóa
- Đi tiểu nhiều hoặc khát nước, đây có thể là dấu hiệu của bệnh về tiết niệu
- Cứng khớp, đi khập khiễng hoặc khó đứng dậy, đây có thể là dấu hiệu của viêm khớp
- Trông mất phương hướng, lo lắng hoặc thể hiện hành vi bất thường
Bằng việc đảm bảo đưa mèo đi khám bác sỹ thú y thường xuyên, bạn sẽ có thể phát hiện được mọi tình trạng nghiêm trọng trước khi tiến triển nặng thêm và giúp bạn cung cấp được sự chăm sóc tốt nhất có thể cho chú mèo lớn tuổi của mình.
Thích và chia sẻ trang này